Theo lời kể của người dân, chúng tôi đã lần tìm và được ông Trần Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm xác nhận: “Đúng rồi, ở đây có một ấp được gọi là ấp xuất khẩu lao động, đó là ấp Tân Phước, xã Tân Thanh”.
Kinh tế gia đình ông Mai Tấn Hiệp ngày càng ổn định, khấm khá nhờ cho con đi XKLĐ.
Ấp Tân Phước có diện tích tự nhiên khoảng 600ha, trên 800 hộ dân sinh sống chủ yếu nhờ vào sản xuất lúa 3 vụ/năm và dừa. Hiện toàn ấp có khoảng 70 hộ với hơn 100 người đã và đang đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Gia đình ông Mai Tấn Hiệp (còn gọi là Bảy Hiệp) là một trong những hộ tiên phong ở ấp Tân Phước đưa con đi XKLĐ, ông có 5 người con thì hết 3 người từng đi XKLĐ, khởi đầu là con lớn đi Malaysia năm 2005, kế đến là con trai thứ và con gái cũng đi XKLĐ sang Nhật Bản. Ông Bảy Hiệp chia sẻ, gia đình ông từng rất khó khăn, nhà đông người chỉ trông chờ vào mùa vụ với 500 ngàn đồng/công/vụ (hoa lợi sau khi trừ chi phí sản xuất). Nhờ cho con đi XKLĐ mà kinh tế gia đình ông dần cải thiện. Xóm giềng quan tâm hỏi han, ông chỉ hết đường đi nước bước. Các con của ông giúp đỡ gia đình vươn lên và để dành được số vốn cho bản thân để lập nghiệp. Hàng xóm và người thân thấy thế nên cũng yên tâm động viên con đi XKLĐ.
Mai Thành Giàu - con ông Bảy Hiệp sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp THPT, làm cán bộ thống kê của xã Tân Thanh được một thời gian, anh nghỉ việc và tham gia XKLĐ năm 2011. Kết thúc 3 năm làm việc trong một công ty chuyên nhuộm vải ở Nhật, Giàu trở về nước, trong tay có số vốn gần 700 triệu đồng. Sau đó, Giàu trở lại Nhật du học. Anh chọn học Đại học Seisa Dotoh Daigaku ở Hokkaido, ngành kiến trúc vì “khi tốt nghiệp sẽ dễ dàng chọn được một công việc trong khu vực mình đã nhiều năm sống và quen nếp tại Nhật”.
Giàu đang học năm thứ 3 đại học, ban ngày học, ban đêm anh đi làm thêm ở tiệm ăn uống để có thu nhập trang trải sinh hoạt. Mai Thành Giàu nói: “Ở Hokkaido, người bản địa đóng học phí 300 triệu đồng/năm (tính từ đồng yen sang Việt Nam đồng), còn du học sinh thì trường giảm 50%. Mình không cảm thấy mệt khi vừa học, vừa làm vì có thể sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi. Kết quả học tập hai năm liền của mình thuộc loại khá - giỏi”. Được biết, năm 2014, khi sang Nhật du học, Mai Thành Giàu đã trải qua một năm rưỡi học tiếng Nhật, anh đã lấy bằng N2 trước khi vào đại học. “Nhiều người bạn Nhật và cả những ông sếp của mình thường nói rằng người Việt Nam hòa nhập tốt, vượt khó; có lúc họ khen mình và những người Việt Nam đang lao động ở Hokkaido thông minh và giỏi” - Giàu cười nói.
Nói về con đường tương lai, Mai Thành Giàu cho biết, anh muốn ở lại Nhật trong vài năm để làm việc và tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước khởi nghiệp trong ngành kiến trúc.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2016-2017, Tân Thanh là 1 trong 3 xã có số lượng người đi XKLĐ nhiều nhất tỉnh với 30 người, chỉ sau xã Bình Thành (32 người) và Bình Hòa (30 người).
Ông Nguyễn Văn Chương - quyền Trưởng Phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tuy ngành chưa thống kê chính xác số liệu ấp nào có số lượng người XKLĐ cao nhất, nhưng trong một ấp, cứ hơn 100 nóc gia lại có một hộ có con em đi XKLĐ như ấp Tân Phước vậy là đạt hiệu quả.
Nguồn: Báo Đồng Khởi