Site banner
Thứ hai, 19. Tháng 5 2025 - 23:29

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Quyết tâm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Tân Thanh là xã thuộc diện khó khăn của huyện Giồng Trôm bởi điều kiện tự nhiên khó khăn. Thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ xã, Tân Thanh đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi tập quán sản xuất. Đây là một trong những chỉ tiêu mà Đảng bộ xã muốn tạo điểm nhấn trong nhiệm kỳ.

Cải tạo đất hoang, vườn tạp để trồng lài.

Theo ông Trần Thanh Trung - Bí thư Đảng ủy xã, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của nhiệm kỳ, ngoài công tác củng cố, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động các chi bộ nhằm tạo khí thế, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, Đảng ủy xã còn tăng cường lãnh đạo công tác giám sát quá trình điều hành thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ của UBND xã, đặc biệt là trong phát triển kinh tế; trọng tâm là nâng cao thu nhập, kéo giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ, qua đánh giá bước đầu, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Với điều kiện tự nhiên của xã, để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập của người dân thì việc chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn cây tạp, tận dụng đất bìa chéo, hoang hóa... được lãnh đạo địa phương quan tâm. Trong năm 2012 và 2013, Tân Thanh đẩy mạnh phong trào xóa bỏ vườn cây tạp trên đất giồng cát, tận dụng đất gò cao để trồng lài và cỏ nuôi bò. Bà con ở các ấp như Tân Lợi, Tân Hòa, An Thuận, Bình Thuận hưởng ứng, tạo nên phong trào sôi nổi. Vì vậy, diện tích đất trồng hoa lài trong những năm gần đây tăng nhanh, hơn 40ha. Dù hiện nay chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nhưng giá hoa lài luôn ở mức 40 - 50 ngàn đồng/kg; vào thời điểm Tết hay nghịch vụ, có lúc giá từ 300 - 400 ngàn đồng/kg; góp phần tạo thu nhập cho người trồng. Đây cũng là mô hình thoát nghèo của bà con trong xã, rất phù hợp với hộ dân ít đất.

Đối với diện tích đất gò cao, bìa chéo, bà con không làm lúa mà chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, mang hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Đất nông nghiệp của xã được chia ra 3 vùng rất rõ: đất lúa, đất giồng cát, đất trồng cây ăn trái. Đất lúa ổn định với diện tích 733ha, làm được 3 vụ lúa. Đất trồng cây ăn trái, chủ yếu là: dừa, cam, quýt, bưởi da xanh với diện tích 165ha. Riêng đất giồng cát, tập trung cho trồng màu với các loại rau, củ có diện tích khoảng 90ha. Bà con tận dụng phế phẩm từ rau màu như đậu, bắp, cỏ để phát triển chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản; nhiều mô hình nuôi bò với số lượng lớn nhanh chóng được nhân rộng. Tính đến nay, tổng đàn bò của xã đạt hơn 3.500 con (bình quân mỗi hộ dân có hơn 1 con bò).

Việc tập hợp và tổ chức lại các hình thức làm ăn theo tổ, nhóm liên kết, thường xuyên mở các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… cũng được các ban, ngành huyện, xã tích cực hỗ trợ bằng nhiều hình thức: hỗ trợ vốn, các chương trình, dự án đã góp phần giúp bà con địa phương tăng gia sản xuất, tạo thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, Tổ sản xuất rau an toàn với 25 hộ tham gia, có diện tích gần 6ha, Câu lạc bộ bưởi da xanh ấp Bình Thuận, cánh đồng mẫu lúa ấp Tân Phước, Tân Bình… đã và đang hình thành. Nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình về chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, rau an toàn rất có hiệu quả và bền vững.

Ông Trần Thanh Trung cho biết thêm: Đến cuối năm 2014, Tân Thanh đã kéo giảm số hộ nghèo toàn xã còn 63 hộ (229 nhân khẩu). Mục tiêu đến cuối năm 2015, số hộ nghèo toàn xã sẽ còn 41 hộ, chiếm 5,8%. Theo đó, xã sẽ sàng lọc thật kỹ, chia nhóm đối tượng nghèo để có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Nếu đối tượng có điều kiện thoát nghèo thì tập trung hỗ trợ để sớm thoát nghèo. Các đối tượng neo đơn, già, tàn tật thì vận động các mạnh thường quân, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách. Riêng với đối tượng hộ nghèo chây lười lao động, ỷ lại, trông chờ vào chế độ, chính sách của Nhà nước thì tiếp tục tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo.

Đảng bộ xã Tân Thanh hiện có 13 chi bộ với 197 đảng viên. Theo ông Trần Thanh Trung, đến nay công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ cơ sở đã cơ bản hoàn tất. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững mạnh, thể hiện sự đoàn kết cao sau Đại hội Chi bộ trực thuộc vừa qua. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị qua gần một nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Tân Thanh sẽ phấn đấu kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, nâng cao thu nhập của người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã là 22 triệu đồng/năm (Nghị quyết đề ra là 15 triệu đồng/người/năm 2015). Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn của việc thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết của Đảng bộ xã, là tiền đề quan trọng để Tân Thanh phấn đấu trong nhiệm kỳ mới.

Nguồn: Báo Đồng Khởi