Site banner
Thứ hai, 19. Tháng 5 2025 - 18:57

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hỗ trợ vật nuôi xoay vòng - cách làm hiệu quả

Anh Nguyễn Ngọc Phúc ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thanh (Giồng Trôm) làm nghề “bắt bò” hơn 10 năm nay. Anh tâm sự, đi bắt bò thuê, nhiều khi cũng ước mình có tiền đủ để “bắt” một con bò về nuôi.

Bàn giao bò trong Chương trình nuôi bò vỗ béo xoay vòng cho hộ nghèo ở xã Tân Thanh (Giồng Trôm). Ảnh: P.Y

Nhà có 4 miệng ăn nhưng chỉ có nửa công đất giồng, vừa là chốn trú ngụ vừa là kế sinh nhai với mấy loại hàng bông chen chúc quanh nhà. Dù vợ chồng cố gắng dè sẻn nhưng số tiền trên chục triệu đồng để bắt một con bò chỉ dừng lại trong suy nghĩ. Khi được Ban Phát triển xã Tân Thanh chọn là một trong 6 hộ nghèo được nhận một con bò trong Chương trình nuôi bò vỗ béo do Trung tâm Giống nông nghiệp và Dự án DBRP tỉnh tổ chức, vợ chồng anh Phúc rất mừng. “Con bò này nuôi một năm rưỡi sẽ được giá ít nhất cũng gấp đôi. Trả lại con bò bằng giá ban đầu thì coi như nhà tôi có được trọn một con bò rồi” - anh Phúc hớn hở tính.

Chương trình nuôi bò vỗ béo quay vòng này được thực hiện vào giữa tháng 6-2013, với 20 hộ nghèo ở xã Tân Thanh, Hưng Nhượng (Giồng Trôm) và Long Định (Bình Đại). Ông Nguyễn Quốc Trung - Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết, 20 con bò tơ được giao cho các hộ nghèo nuôi vỗ béo trong 18 tháng. Sau thời gian này, các hộ bán bò và trả lại con bò ban đầu quy ra tiền là 15 triệu đồng. Số tiền này sẽ được tiếp tục mua bò quay vòng cho 20 hộ nghèo nữa…

Mô hình hỗ trợ con giống xoay vòng, giúp nhau thoát nghèo được Dự án DBRP triển khai từ những năm trước. Khởi điểm là mô hình hỗ trợ heo giống ở xã An Ngãi Tây (Ba Tri), từ cuối năm 2010. Hai hộ đầu tiên trong 9 hộ nghèo tham gia mô hình được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để mua 2 con heo cái giống và xây chuồng trại. Sau khi heo giống đẻ, hộ nhận heo đầu tiên có trách nhiệm giao 2 con heo cái giống (heo con) cho hộ tiếp theo. Còn nhớ lúc gặp anh Lê Văn Nô - hộ đầu tiên nhận heo giống, trong ngày anh giao 2 con heo con hộ kế tiếp, anh khoe mỗi con heo nái đã đẻ được 2 lứa heo với trên 40 con. Gia đình anh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã sau một năm nhận heo giống. Ông Mai Văn Bốn - Chủ tịch UBND xã An Ngãi Tây kiêm Trưởng Ban phát triển Dự án xã cho biết, cho đến nay, 9 hộ tham gia mô hình đều được nhận con giống xoay vòng và nhiều hộ đã thoát nghèo.

Sau An Ngãi Tây, các xã Dự án của Ba Tri cũng triển khai mô hình này với nhiều loại vật nuôi như bò, dê, heo… Ông Nguyễn Hoàng Minh - chuyên viên thị trường Văn phòng Dự án huyện Ba Tri cho biết, hỗ trợ theo hình thức này đã có tác động tích cực đến hộ nghèo và đặc biệt là “vốn mồi” quan trọng để các hộ này tiếp tục phát triển, nâng cao cuộc sống. Ba Tri đang chuẩn bị triển khai ở xã An Hiệp một mô hình nuôi dê xoay vòng kết hợp với trồng thanh long ruột đỏ. Đây được xem là cách làm mới mà huyện vừa học tập kinh nghiệm ở tỉnh Bình Thuận.

Cùng với Ba Tri, hỗ trợ vật nuôi xoay vòng cho hộ nghèo triển khai ở nhiều xã Dự án, khắp các huyện. Bà Huỳnh Ngọc Diệu - chuyên viên thị trường Văn phòng Dự án Mỏ Cày Bắc cho biết mô hình nuôi heo nái sinh sản ở xã Tân Thành Bình được triển khai từ tháng 6-2011 đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và cũng chính là cơ sở để Mỏ Cày Bắc mở rộng ra các xã Dự án, với nhiều con giống khác. “Không chỉ hỗ trợ con giống, các hộ còn được dạy nghề thú y (được cấp giấy chứng nhận hành nghề) nên các bà con có thể tự chăm sóc vật nuôi, giảm chi phí, tăng lợi nhuận” - bà Diệu cho biết.

Hỗ trợ con giống xoay vòng đồng thời với tập huấn nâng cao năng lực trong chăn nuôi được đánh giá là cách làm mới, có hiệu quả của Dự án DBRP. Mặt khác, sự liên kết trong chăn nuôi của các hộ nghèo ở một số xã còn được kết nối từ khâu chọn con giống, liên kết với doanh nghiệp trong mua thức ăn tận gốc, đến đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng của giải pháp giảm nghèo bền vững.

Nguồn: Báo Đồng Khởi